Giá quặng sắt tăng vọt trở lại, có thể bắt đầu một chu kỳ tăng mới

02/06/2021

Giá quặng sắt tại Trung Quốc đã tăng mạnh hơn 7% trong phiên giao dịch 1/6, là phiên tăng thứ 3 liên tiếp, do nhu cầu tăng và thông tin Đường Sơn – trung tâm sản xuất thép chính của Trung Quốc – đang lên kế hoạch giảm sản lượng của các nhà máy thép trên địa bàn.

Trong phiên này, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên tăng 7,3% lên 1.170 CNY (183,53 USD)/tấn.

Phiên trước đó (31/5), giá quặng sắt (loại 62%) nhập khẩu tại cảng biển Trung Quốc tăng mạnh 8% lên 200,5 USD/tấn, theo dữ liệu của ông ty tư vấn Steel Home.

Còn theo dữ liệu của cơ quan báo giá hàng hóa Argus, giá quặng hàm lượng 62% giao tới miền Bắc Trung Quốc trong ngày 31/5 là 199,5 USD/tấn, tiếp nối đà hồi phục của mấy phiên gần đây (so với mức 188,5 USD/tấn hôm 27/5).

Các nguyên liệu thép khác cũng tăng. Theo đó, giá than luyện cốc và than cốc đều tăng 4,7% lên lần lượt 1.872 CNY/tấn và 2.586 CNY/tấn.

Giá thép phiên này cũng đồng loạt tăng. Theo đó, thép thanh vằn kỳ hạn tháng 10 trên sàn Thượng Hải tăng 2% lên 5.128 CNY/tấn; trong khi thép cuộn cán nóng tăng 0,8% lên 5.437 CNY/tấn; thép không gỉ kỳ hạn tháng 7 tăng 3,4% lên 16.165 CNY/tấn.

Trong nước, sau giai đoạn giá thép được giữ ổn định thì một số doanh nghiệp bắt đầu nâng giá bán. Theo đó, giá sản phẩm tôn mạ kẽm của Thép Hòa Phát được điều chỉnh tăng thêm 300đ/kg từ ngày 1/6; Tôn Hoa Sen tăng giá mặt hàng tôn mạ (không bao gồm Tôn Hoa Sen gold); thép dày mạ; ống thép mạ kẽm thêm 300đ/kg trên phạm vi toàn quốc (chưa bao gồm 10% VAT); và thép Sendo cũng điều chỉnh tăng giá thêm 300đ/kg áp dụng từ ngày 1/6 (đã bao gồm VAT); Thép Nam Kim cũng thông báo điều chỉnh tăng giá bán mặt hàng ống thép mạ kẽm, thép V mạ kẽm…

Điều đáng nói là giá sắt tăng mạnh trở lại trong khi giá thép tiếp tục hồi phục mặc dù gần đây các nhà chức trách Trung Quốc đã rất nỗ lực nhằm giảm nhiệt thị trường hàng hóa, nhất là nhóm hàng sắt thép, trong đó có việc nâng lệ phí giao dịch trên các sàn giao dịch nội địa, cảnh báo sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát giá và siết chặt hơn nữa việc giám sát thị trường.

Những biện pháp này đã có kết quả ban đầu, khiến giá sắt thép hạ giá ngay sau những động thái đó. Cụ thể, giá quặng sắt đã giảm từ mức cao nhất mọi thời đại, là 235,55 USD/tấn đạt được hôm 12/5.

Tuy nhiên, có thể thấy là việc giá giảm 15,3% từ mức cao kỷ lục là một con số rất ấn tượng, song mức đó lại không thấm tháp vào đâu so với mức tăng gần gấp 3 của mặt hàng này, từ mức thấp nhất năm 2020 là 79,60 USD/tấn (tháng 3/2020, thời điểm Trung Quốc tập trung chống đại dịch Covid-19) lên đỉnh điểm 235,55 USD/tấn ngày 12/5.

Giá sắt và thép liệu đã đạt đỉnh?

Và phiên gần đây nhất, ngày 1/6, giá vẫn tăng mặc dù Chính quyền thành phố Đường Sơn cùng ngày tổ chức Hội nghị chuyên đề, trong đó có nội dung cân nhắc cắt giảm sản lượng thép ở một số nhà máy trên địa bàn, bởi kết quả cắt giảm khí thải còn thấp xa so với k ỳ vọng, thong tin từ Securities Times cho biết. Cụ thể, các nhà chức trách của Thành phố đã hối thúc các nhà sản xuất thép dài trên địa bàn giảm 30-50% sản lượng trong tháng 3/2021 để cải thiện chất lượng không khí.

Sở dĩ giá quặng sắt tăng sau thông tin này là bởi thị trường phớt lờ việc công suất sản xuất thép giảm sẽ dẫn tới nhu cầu quặng sắt giảm, mà chỉ lo ngại việc cắt giảm công suất sẽ gây ra tình trạng thiếu thép do thành phố này chiếm hơn 13% tổng sản lượng thép thô của Trung Quốc, mặc dù kế hoạch cắt giảm sản lượng thép này vẫn đang trong quá trình thảo luận và chưa được chính thức thông qua.

Các nhà phân tích của Citi Research cho biết trong một lưu ý, động thái của Đường Sơn có thể gây một số áp lực lên giá thép trong thời gian tới khi thị trường bước vào mùa yếu.

"Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mong đợi nhiều biện pháp sản xuất hơn ở các tỉnh khác trong 6 tháng cuối năm để giảm lượng khí thải carbon."

Bộ Môi trường Trung Quốc cho biết họ sẽ thắt chặt việc phê duyệt các dự án sử dụng nhiều năng lượng và gây ô nhiễm như thép, nhôm và luyện cốc. (Toàn câu chuyện)

Các nhà phân tích cho biết, nhập khẩu quặng sắt qua đường biển vào Trung Quốc trong tháng 5 vừa qua có nhiều khả năng tăng lên, giúp giải quyết vấn đề mà Bắc Kinh đang gặp khó khăn, đó là nỗ lực kiểm soát giá cả đang tăng cao để tạo môi trường lành mạnh cho nguyên liệu sản xuất thép.

Số liệu của Refinitiv theo dõi tình hình cầu và cảng cho thấy, có khoảng 89,8 triệu tấn quặng sắt đã được bốc dỡ xuống các cảng của Trung Quốc trong tháng 5. Con số chính thức có thể sẽ còn cao hơn thế.

Dù số liệu của tháng 5 mới chỉ là ước tính song đã tăng nhẹ so với 87,46 triệu tấn được nhập khẩu qua đường biển vào Trung Quốc trong tháng 4, cũng th eo dữ liệu của Refinitiv.

Cần lưu ý rằng số liệu theo dõi về vận tải đường biển không khớp hoàn toàn với dữ liệu chính thức của Hhải quan do có sự khác biệt về thời điểm hàng hóa được đánh dấu là đã được dỡ xuống, và các số liệu chính thức bao gồm quặng sắt được vận chuyển qua đường bộ từ các nước láng giềng.

Tuy nhiên, có vẻ như nhu cầu quặng sắt mạnh mẽ của Trung Quốc tiếp tục trong tháng 5 khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phục hồi sau tác động của đại dịch Covid-19 và bởi các biện pháp kích thích kinh tế - đã thúc đẩy hoạt động của các ngành sử dụng nhiều thép như xây dựng, cơ sở hạ tầng và sản xuất.

Thị trường quặng sắt đã nóng lên từ nhiều tháng nay do nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc, nước sở hữu khoảng 70% tổng lượng quặng sắt nhập khẩu qua đường biển trên toàn cầu; trong bối cảnh nguồn cung quặng hạn chế, chủ yếu do thời tiết bất lợi ở xuất khẩu quặng hàng đầu thế giới là Australia, và sự gián đoạn sản xuất ở Brazil do Covid-19.

Sản lượng thép của Trung Quốc đạt kỷ lục cao 97,85 triệu tấn trong tháng 4, tăng 4,1% so với tháng 3 và cao hơn khoảng 15% so với 85,03 triệu tấn của tháng 4 năm 2020, đưa sản lượng thép trong 4 tháng đầu năm 2021 tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, một con số trái ngược với cam kết chính thức mà nước này đưa ra là hạn chế sản lượng năm nay không nhiều hơn sản lượng được sản xuất vào năm 2020.

Sản lượng thép của Trung Quốc có thể sẽ giảm trong những tháng tới do tỷ suất lợi nhuận của các nhà máy kém đi vì giá thép trong nước đã giảm nhanh hơn nhiều so với mức giảm giá quặng sắt, nhưng vẫn có rất ít bằng chứng về việc sản lượng sẽ giảm.

Về phía nguồn cung, có một số dấu hiệu cho thấy xuất khẩu quặng sắt trên toàn cầu đang tăng lên, có thể giúp giá hạ nhiệt thêm nữa.

Theo ước tính của Refinitiv, Australia đã xuất khẩu 75,78 triệu tấn quặng sắt trong tháng 5, tăng so với 71,28 triệu trong tháng 4 và gần bằng mức khoảng 75 đến 80 triệu tấn ở những tháng thời tiết bình thường.

Trong khi đó, Brazil ước tính đã xuất khẩu khoảng 29,1 triệu tấn trong tháng 5, tăng so với 25,76 triệu trong tháng 4 và là tháng xuất nhiều nhất kể từ tháng 12/2020.

Tuy nhiên, xuất khẩu tháng 5 của Brazil vẫn thấp hơn so với mức bình thường (từ tháng 8 đến tháng 12/2020, Brazil xuất khẩu trung bình 30 – 35 triệu tấn mỗi tháng).

Nhìn chung, những gì diễn biến giá cả trên thị trường quặng sắt gần đây cho thấy những nỗ lực kiềm chế giá sắt thép của Trung Quốc có thể sẽ chỉ thành công trong ngắn hạn, nếu chỉ bằng cách cố gắng giảm sản lượng thép, thay vì cố gắng để đẩy tăng nguồn cung.

 

 

Nguồn: cafef.vn

 

Copyright 2020 VNSTEEL Thăng Long. All right reserved and Designed by Sudo