04/09/2020
Đảm bảo an toàn cho công trình, người dân
Đơn kiến nghị cho rằng hiện khoảng 70% công trình xây dựng trong công nghiệp đều dùng thép hình cán nóng, từ nhà để xe đến nhà thép tiền chế, nhà chứa máy bay với khẩu độ hơn 100 m không cột giữa, các trung tâm thương mại, các công trình nhiệt điện, thủy điện, nhà máy lọc hóa dầu... Tuy nhiên Việt Nam vẫn chưa có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCViệt Nam) để quản lý chất lượng sản phẩm này. Trong khi đó, thép cốt bê tông thường được sử dụng trong các công trình xây dựng nhà cao tầng, nhà dân dụng, cầu đường... đã được ban hành QCViệt Nam 7:2011 từ năm 2011.
Bộ Khoa học - Công nghệ cần sớm ban hành QCViệt Nam đối với thép hình cán nóng để đảm bảo chất lượng, an toàn cho các công trình xây dựng tại Việt Nam, đảm bảo sự công bằng cho môi trường sản xuất và kinh doanh của ngành thép trong nước. Việc áp dụng QCViệt Nam hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến giá bán sản phẩm này vì hiện tại cung đang vượt cầu, các doanh nghiệp sản xuất thép hình cán nóng chưa sử dụng hết công suất nhà máy. Ông Nguyễn Văn Sưa, Chủ tịch Hội Khoa học - kỹ thuật đúc Hà Nội |
Thông thường, sản phẩm thép kém chất lượng sẽ không được thể hiện ngay khi xây dựng mà sau khi công trình đưa vào sử dụng, gây mối nguy hiểm tiềm tàng về sau. Trên thế giới đã có rất nhiều trường hợp hư hỏng cấu trúc và sụp đổ do vật liệu thép hình cán nóng kém chất lượng như ở Hàn Quốc năm 2014, tòa nhà nghỉ dưỡng Gyeongju Mauna Resort bị sụp đổ khiến 10 sinh viên thiệt mạng và khoảng 100 người bị thương. Sau điều tra, chính phủ Hàn Quốc phát hiện một trong những nguyên nhân là tòa nhà được sử dụng vật liệu thép chất lượng kém khi thi công so với phương án thiết kế. Hay tại Singapore, dự án đường cao tốc Nicoll đã xảy ra tai nạn sụp đổ tại đường hầm vào tháng 4.2004 làm 4 người chết và 3 người bị thương cũng do nguyên nhân sự cố kết cấu và chất lượng kém của thép hình cán nóng chữ H làm tường chắn. Hay vụ việc hơn 400 cây cột điện gãy đổ trong bão số 10 vào tháng 10.2017 tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh) khiến người dân nghi ngờ về chất lượng thép...
Hiện tại, Việt Nam chưa có đánh giá chính xác về chất lượng thép hình cán nóng đang lưu thông trên thị trường nên vẫn còn tồn tại những nguy cơ hàng kém chất lượng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính an toàn của dự án xây dựng. Đặc biệt là sản phẩm của những cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ thường không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của các tiêu chuẩn quốc gia, nhất là kích thước và đơn trọng. Hoặc trong số các sản phẩm thép hình nhập khẩu hiện đang phân phối tại Việt Nam, có những sản phẩm thép carbon đã được chuyển thành thép hợp kim bằng cách thêm các nguyên tố như Boron (Bo) và Crôm với mục đích tránh thuế (thuế suất nhập khẩu thép hợp kim là 0%). Khi các sản phẩm thép có Boron này được sử dụng trong gia công các kết cấu thép, chúng có thể gây ra các vấn đề an toàn nghiêm trọng như giảm khả năng hàn và tăng nguy cơ nứt...
Cần sớm ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thép hình cán nóng để đảm bảo chất lượng công trình. Ảnh: M.P
Cần sớm ban hành quy chuẩn Việt Nam
Trong bối cảnh thị trường thép toàn cầu suy giảm mạnh do dịch Covid-19 bùng phát, mức tiêu thụ thép của Việt Nam từ tháng 1 - 7/2020 giảm 9,6% so với năm trước, còn 12,36 triệu tấn. Đặc biệt, mặt hàng thép hình chữ H đang suy giảm nghiêm trọng, mức tiêu thụ danh nghĩa cho đến tháng 7 giảm 31% so với năm trước, còn 178.000 tấn. Trong khi đó, ước tính sẽ có khoảng 20.000 tấn thép hợp kim chứa Boron từ Hàn Quốc dự kiến nhập vào Việt Nam trong tháng 8 và tháng 9 năm 2020. Số lượng nhập khẩu này tương đương với 80% nhu cầu bình quân thép hình chữ H trong nước/tháng và tương đương với 35% lượng thép hình H được nhập khẩu từ Hàn Quốc của cả năm 2019 là 57.000 tấn.
Trên thực tế, lượng thép hình cán nóng nhập khẩu trước năm 2017 đều cao hơn rất nhiều so với sản xuất trong nước khiến sản phẩm trong nước không thể cạnh tranh. Đến tháng 8/2017, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định chống bán phá giá đối với sản phẩm thép hình chữ H cán nóng có xuất xứ từ Trung Quốc, giúp ngành sản xuất trong nước dần phục hồi. Tuy nhiên hiện nay, sản phẩm này từ Hàn Quốc và các nước khác sau khi cho nguyên tố Bo vào để chuyển thành thép hợp kim nhằm không bị đóng thuế với thuế suất từ 10 - 15% vẫn ồ ạt nhập vào Việt Nam. Do vậy để ngăn chặn việc phân phối các sản phẩm đe dọa đến an toàn của người dân cũng như tránh thuế một cách tinh vi, việc xây dựng QCVN cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Hàn Quốc đã cấm sử dụng các sản phẩm thép hình chữ H có chứa Bo hàm lượng hơn 0,0008%, nhưng tại Việt Nam, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu thép chữ H đều được chuyển sang thép hợp kim để tránh thuế. Nếu có QCVN thép hình chính thức thì các sản phẩm này sẽ được loại bỏ, giảm thiểu nguy cơ sản phẩm kém chất lượng gia nhập trên thị trường, bảo vệ người tiêu dùng và giảm tác động tiêu cực cho ngành sản xuất trong nước.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Chủ tịch Hội Khoa học - kỹ thuật đúc Hà Nội, nhận định việc áp dụng QCVN cho thép hình cán nóng là cần thiết cũng như đã áp dụng cho thép thanh và thép cuộn trong xây dựng. Thị trường có nhiều nguồn cung thép hình chữ H khác nhau nhưng chất lượng không đồng nhất, không đảm bảo chất lượng, kích thước. Đặc biệt, việc nhập khẩu sản phẩm từ các nước, trong đó có sản phẩm từ các nhà máy nhỏ lẻ với công nghệ Trung Quốc phần lớn không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật nên tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm cho người sử dụng. Hơn nữa, việc thiếu QCVN để kiểm soát chất lượng cũng khiến thị trường cạnh tranh không công bằng.
Nguồn: ndh.vn
Copyright 2020 VNSTEEL Thăng Long. All right reserved and Designed by Sudo