Gió đổi chiều trên thị trường thép thế giới

11/05/2021

(ĐTCK) Trung Quốc, quốc gia đóng góp trên 50% sản lượng thép toàn cầu đang cắt giảm mạnh sản lượng thép nhằm giảm phát thải khí carbon.

Ảnh Internet

Mới đây, Trung Quốc đã công bố kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021 - 2025) với quyết tâm đạt đỉnh carbon và hướng tới giảm về ngưỡng trung tính vào năm 2060.

Với một trong các trọng tâm giảm thiểu phát thải carbon là ngành thép, mục tiêu được nước này đề ra là đến năm 2030, lượng phát thải carbon của ngành thép sẽ giảm 30% so với mức cao nhất và dự kiến lượng khí thải carbon sẽ giảm 420 triệu tấn.

Các thành phố có chất lượng không khí thấp nhất của Trung Quốc chủ yếu tập trung ở Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Đông và Sơn Tây. Bốn tỉnh này chiếm 40,51% sản lượng thép thô của Trung Quốc và tổng sản lượng tại năm 2020 khoảng 431,4 triệu tấn.

Nếu Trung Quốc tiếp tục áp dụng chính sách hạn chế sản lượng ở các tỉnh này, lượng thép thô tồn kho tại 4 tỉnh trên dự kiến sẽ giảm khoảng 70 triệu tấn.

Tính theo sản lượng thép thô Trung Quốc 2020 là 1,065 tỷ tấn, tương đương với mức giảm 6,57% so với cùng kỳ năm trước.

Theo lộ trình, 7 nhà máy thép vi phạm quy định môi trường ở Đường Sơn phải cắt giảm 50% sản lượng từ nay cho đến 30/6/2021 và giảm 30% trong nửa cuối năm 2021; 16 cơ sở gia công thép khác cũng sẽ phải cắt giảm 30% sản lượng từ nay đến cuối năm, tương ứng ảnh hưởng đến sản lượng gang của Đường Sơn khoảng 30 triệu tấn.

Sơn Đông cũng không nằm ngoài xu hướng. Mới đây, tỉnh này đặt mục tiêu đến năm 2022 sẽ loại bỏ 21,41 triệu tấn công suất sản xuất thép và 22,38 triệu tấn công suất luyện gang.

Xa hơn, với kế hoạch giảm 420 triệu tấn carbon ngành thép, ước tính công suất lò cao của Trung Quốc phải giảm tương ứng 200 triệu tấn công suất.

Để không tạo ra khủng hoảng nguồn cung, Trung Quốc thúc đẩy chuyển đổi sản xuất thép bằng lò EAF với tỷ lệ phát thải thấp hơn nhiều; tăng hiệu suất sử dụng của các nhà máy BOF hiện hữu; điều tiết lại hoạt động xuất nhập khẩu…

Bằng cách nào đi nữa thì ngành thép thế giới, mà cụ thể là Đông Nam Á sẽ có dư địa tăng trưởng khi mà Trung Quốc vốn chiếm tới gần 60% sản lượng thép toàn thế giới.

Hiện tại, Ấn Độ và Trung Quốc là hai đối tác chính bù đắp lượng thiếu hụt HRC cho Việt Nam và Trung Quốc đang giảm dần xuất khẩu HRC – giảm gần 60% so với 2016, hệ quả của chiến lược thanh lọc 5 năm lần thứ 13.

Trung Quốc mới đây đã xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với một số nguyên liệu dùng trong sản xuất thép. Đồng thời, việc hoàn thuế xuất khẩu thép cũng bị xóa bỏ. Mục đích của các động thái này, theo phía Trung Quốc giải thích, là để “giảm chi phí nhập khẩu, tăng cường nhập khẩu các nguồn lực thép và hỗ trợ việc giảm sản lượng thép thô trong nước”.

Thương mại thép của Trung Quốc thu hẹp sau chiến dịch loại bỏ công suất thừa.

Trước mắt, việc cắt bỏ các khuyến khích vật chất trong xuất khẩu thép của Trung Quốc sẽ thu hẹp đáng kể quy mô xuất khẩu 64 triệu tấn của Trung Quốc như trong năm 2019, từ đó giảm sự cạnh tranh của thép nhập khẩu từ Trung Quốc trên các thị trường, chủ yếu trong khu vực như Đông Nam Á.

Quan trọng hơn, việc chuyển hướng của Chính phủ Trung Quốc sang khuyến khích các nhà sản xuất Trung Quốc dùng nhiều hơn nguồn gang, phôi thép và thép phế nhập khẩu để sản xuất thép theo công nghệ lò điện hồ quang sẽ làm tăng đột ngột nhu cầu nhập khẩu, do đó, giá của những nguyên liệu này trên thị trường thế giới sẽ tăng lên.

Ngược lại, việc nhập khẩu các nguyên liệu thay thế quặng sắt để sản xuất thép này sẽ làm giảm tương ứng nhu cầu nhập khẩu khổng lồ về quặng sắt và than mỡ luyện cốc của Trung Quốc, nhờ đó sẽ giảm áp lực về giá quặng sắt, than mỡ luyện cốc/than cốc và trợ dung cho các nhà sản xuất thép theo công nghệ lò cao trên thế giới.

Gió đổi chiều trên thị trường thép Trung Quốc sẽ giúp các doanh nghiệp thép trên thế giới, trong đó có Việt Nam hưởng lợi. Tuy vậy, bài toán phát triển bền vững cần được cơ quan quản lý tính tới nếu như các doanh nghiệp thép Việt Nam tăng quy mô sản xuất để tận dụng thời cơ khi “sân chơi” rộng hơn.

 

 

Nguồn: tinnhanhchungkhoan,vn

Copyright 2020 VNSTEEL Thăng Long. All right reserved and Designed by Sudo