Tôn mạ VNSTEEL Thăng Long: Làm thương hiệu với trái tim nóng và cái đầu lạnh

20/04/2018

Năm 2016, song song với việc tìm mọi cách phát triển sản xuất kinh doanh, Ban lãnh đạo Công ty CP Tôn mạ VNSTEEL Thăng Long đưa ra quyết định nộp hồ sơ tham gia giải thưởng Thương hiệu Quốc gia.

Cuộc trò chuyện giữa phóng viên với ông Lê Văn Thanh – Tổng giám đốc Công ty CP Tôn mạ VNSTEEL Thăng Long đã cho thấy điều ấy.

Đại diện cho Tôn mạ VNSTEEL Thăng Long, Tổng giám đốc Lê Văn Thanh nhận
bằng khen từ Chủ tịch nước Trần Đại Quang 

Thương hiệu Quốc gia là công khai và minh bạch

PV: Nếu tôi không nhầm thì trong hệ thống Tổng công ty Thép Việt Nam- CTCP (VNSTEEL), Công ty CP Tôn mạ VNSTEEL Thăng Long là đơn vị đầu tiên thực hiện và đạt Thương hiệu Quốc gia. Và dường như chính đơn vị chủ quản là VSNTEEL cũng bất ngờ trước sự kiện này. Vậy ông đã “thai nghén” chuyện làm Thương hiệu Quốc gia từ khi nào?

Ông Lê Văn Thanh: Ý tưởng có ngay từ khi tôi vừa về Tôn mạ VNSTEEL Thăng Long làm việc. Đó là tháng 5 năm 2016. Đây cũng chính là thời điểm Công ty đang gặp khó khăn, thách thức. Nào là sản lượng chưa đẩy lên được, vốn chưa có gì để tích lũy, thương hiệu còn rất ít người biết… Trong khi đó thì chất lượng tôn mạ của VNSTEEL cực kỳ tốt, nhất là hai sản phẩm tôn Thăng Long và tôn Việt – Ý, cần phải cho khách hàng biết điều đó và sẽ vực Công ty lên cũng từ điều đó. Nên ý tưởng hình thành ngay cùng với giải pháp để thực hiện. Thực sự lúc đó cũng nghĩ ngợi nhiều lắm. Cho nên suy đi tính lại, chúng tôi quyết định chọn giải pháp tham gia Chương trình Thương hiệu Quốc gia để có bằng chứng vàng về uy tín, chất lượng cao, có giá trị như một sản phẩm tiêu biểu cho ngành, cho Quốc gia.

Cùng một lúc chúng tôi buộc phải làm song song hai việc: vừa vực dậy Công ty để có hiệu quả, vừa đẩy mạnh thương hiệu của nó lên, mà phải đi bằng con đường tự khẳng định mình thông qua chất lượng sản phẩm, chứ không phải thông qua quảng cáo để khuếch trương tên tuổi. Kết thúc năm 2016, Tôn mạ VNSTEEL Thăng Long đã có tăng trưởng tốt, hiệu quả cao, năm đầu tiên có cổ tức cho các cổ đông.

Áp dụng khoa học công nghệ hiện đại cùng các tiên chuẩn chất lượng quốc tế đã đưa sản phẩm 
Tôn mạ VNSTEEL Thăng Long đến gần hơn nữa với thị trường 

PV: Đúng là chuyện không thể tin nổi vì khi đạt Thương hiệu Quốc gia Tôn mạ VNSTEEL Thăng Long mới tròn 7 tuổi. Tôi tò mò về quy trình mà các ông phải trải qua vì ai cũng biết đôi khi thủ tục hành chính mới chính là thứ đốn ngã bất kể doanh nghiệp nào trong mọi cuộc chiến danh hiệu.

Ông Lê Văn Thanh: Tham gia Chương trình Thương hiệu Quốc gia thì Tôn mạ VNSTEEL Thăng Long không bị như vậy. Như thông lệ, 2 năm một lần, thời gian để nộp hồ sơ là từ tháng 4 để nộp và đến tháng 10 thì kết thúc, tháng 11 là ngày tổ chức trao tặng. Quy trình chặt chẽ nhưng thủ tục rất đơn giản, sau khi lọt qua vòng hồ sơ thì Hội đồng Thương hiệu Quốc gia tổ chức thẩm định. Đoàn thẩm định đến Tôn mạ VNSTEEL Thăng Long làm việc , thẩm tra hồ sơ, xem xét lại số liệu, rồi họ đi thực tế. Hội đồng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam có 19 thành viên của tất cả các bộ ngành do Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Chủ tịch. Thú thật lúc biết là có đến 19 thành viên đại diện các Bộ, Ngành tôi cũng “choáng”. Sau khi đã thẩm định xong hồ sơ sẽ được gửi lên Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu Quốc gia, chính là Bộ trưởng Bộ Công Thương, thế là sản phẩm Tôn Thăng Long, Tôn Việt - Ý của Công ty được công nhận. Không có gì khó khăn hay vướng mắc, tiêu cực như mọi người hay tưởng tượng. Cũng không có vận động, lobby hành lang gì hết. Tất cả đều công khai, minh bạch.

PV: Nhưng tôi vẫn thấy băn khoăn, không lẽ để đạt Thương hiệu Quốc gia lại “dễ dàng” như vậy. Với kinh nghiệm của mình, ông có thể chỉ ra điều gì thách thức các doanh nghiệp nhất trong quá trình làm hồ sơ để đạt Thương hiệu Quốc gia?

Ông Lê Văn Thanh: Đó là sự minh bạch của các số liệu.

PV: Sự minh bạch ư? Chuyện ấy nghe thì có vẻ dễ nhưng hình như với doanh nghiệp thì khó, không phải ai cũng làm được phải không thưa ông?

Ông Lê Văn Thanh: Đúng rồi. Tôi ví dụ những cái rất là đơn giản thôi, như công tác đào tạo chẳng hạn, đào tạo cho ai, đào tạo cái gì, kinh phí đào tạo thế nào? Rồi công tác về chiến lược kinh doanh, bán hàng, công tác quản trị nhân sự… đều phải khai báo hết, đấy không phải là điều đơn giản. Tất cả đều phải minh bạch, chỉ cần mình gian dối trong bất kể con số nào là người ta phát hiện ra ngay. Trong quá trình giải thưởng chưa được công bố mà có khiếu nại hay tố cáo của bất kỳ khách hàng hay doanh nghiệp nào đó về chất lượng của mình là hồ sơ của mình se bị dừng lại để điều tra thêm.

PV: Vậy Tôn mạ VNSTEEL Thăng Long có “bị” khiếu nại tố cáo gì không?

Ông Lê Văn Thanh: Họ chỉ bất ngờ và thắc mắc vì quy mô doanh nghiệp chúng tôi mà cũng tham gia Chương trình Thương hiệu Quốc gia thôi. Tuy nhiên, trong giới làm tôn mạ thì không có vấn đề gì. Họ biết về chất lượng của Tôn mạ VNSTEEL Thăng Long mà.

CEO là không cần cực giỏi nhưng phải biết nối dài cánh tay

PV: Ngoài minh bạch số liệu ra thì Tôn mạ VNSTEEL Thăng Long còn có thêm những thuận lợi gì? Và khó khăn nữa, thưa ông?

Ông Lê Văn Thanh: Thực tế thì chất lượng sản phẩm của Tôn mạ VNSTEEL Thăng Long rất tốt do ba nguyên nhân cơ bản sau: dây chuyền máy móc thì được mua từ Châu Âu, sản phẩm nguyên liệu đầu vào - yếu tố cực kỳ quan trọng là thép cán nguội, kẽm, sơn đều nhập khẩu và mua của những Công ty hàng đầu trong nước. Cho nên về chất lượng là chúng tôi cực kỳ yên tâm. Vừa rồi, Tôn mạ VNSTEEL Thăng Long được Thủ tướng Chính phủ tặng Giải Bạc Chất lượng Quốc gia.

Chỉ có mấy vấn đề này thôi. Một là mình non trẻ, hai là xuất phát điểm của mình thấp quá. Đã kinh doanh thì phải cạnh tranh là chuyện đương nhiên, nhưng mình phải tính toán bước đi như thế nào cho hợp lý, điều quan trọng là luôn lấy chất lượng làm đầu.

Hơn nữa, muốn có sản phẩm chất lượng thì phải minh bạch trong vận hành doanh nghiệp từ quy trình, từ thủ tục. Trước đây Tôn mạ VNSTEEL Thăng Long đã có ISO 9001, ISO 14000 nhưng chưa kỹ càng, chúng tôi cho cập nhật, sửa đổi lại thật kỹ, rồi làm đến ISO 50001 về năng lượng. Mà chính trong yêu cầu của Thương hiệu Quốc gia là phải bắt buộc đạt các chứng nhận này nên “nhất cử lượng tiện”. Quan điểm của Tôn mạ VNSTEEL Thăng Long rất rõ ràng là mình viết ra là để mình phục vụ công tác vận hành, quản trị, chứ không phải chỉ để trưng cho đẹp!

PV: Rõ ràng, minh bạch là yếu tố then chốt không chỉ trong một giải thưởng hay một danh hiệu, mà nó còn chính là một yêu cầu bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn đi nhanh và đi xa?

Ông Lê Văn Thanh: Thực ra làm CEO là phải nghĩ ra việc và giao việc cho người khác làm. Thời gian làm việc tại liên doanh tôi đã có kinh nghiệm làm thương hiệu rồi. Nước nào cũng như nước nào thôi, đã bỏ tiền đầu tư thì phải thu lời, nhưng thu lời thế nào cho đàng hoàng, minh bạch.. Đừng nghĩ rằng doanh nghiệp nước ngoài là luôn chuẩn và cũng đừng nghĩ rằng doanh nghiệp Việt là không chuẩn. Vấn đề là ở tư duy của người lãnh đạo. Đối với việc quản trị một doanh nghiệp đầu tiên phải có tâm, không có tâm ông không làm được gì hết, hoặc chỉ quan tâm đến bề nổi, đến hình thức thì cũng bỏ đi. Ông cũng không cần giỏi chuyên môn lắm nhưng ông phải giỏi quản trị, bởi vì ông có kiến thức, ông có sự hiểu biết, ông thiếu chỗ nào thì ông bù vào đấy bằng cách tìm kiếm đúng cộng sự, ông phải nối dài cánh tay của mình ra và phải biến ý tưởng của mình khác những hẳn với những ý tưởng của người khác, phải áp dụng đúng cách của mình. Có thế mới mong làm tốt được.

PV: Chắc hẳn Công ty đã có những đánh giá sơ bộ về những lợi ích có được sau khi đoạt giải thưởng Thương hiệu Quốc gia? Mục tiêu xa hơn của Tôn mạ VNSTEEL Thăng Long chắc không chỉ dừng ở trong nước phải không ông?

Ông Lê Văn Thanh: Công ty cũng chưa có báo cáo cụ thể để đánh giá tổng kết sau khi đạt Thương hiệu Quốc gia, nhưng giải thưởng này thực sự có sự lan tỏa rất lớn, thị trường và thị phần được thúc đẩy tốt hơn, trước khi đạt giải thì tên tuổi Thăng Long chưa được nổi lên nhiều thì bây giờ là rất phổ biến. Tôn mạ VNSTEEL Thăng Long phủ sóng hơn 50 tỉnh thành trong cả nước. Đặc biệt là khách hàng phấn khởi lắm, cái phấn khởi của một người bán những sản phẩm có chất lượng, có thương hiệu và đã được danh chính ngôn thuận theo một cách không thể minh bạch hơn.

Phát huy ý nghĩa của một loại hàng hóa đạt Thương hiệu Quốc gia có nghĩa là phải phát huy tổng thể. Ngoài nội hàm trong quản trị của doanh nghiệp thì mình phải đi ra bên ngoài, không chỉ trong nước mà là đi ra quốc tế. Đây cũng là một kế hoạch mà Tôn mạ VNASTEEL đã và đang hướng tới.

PV: Cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện thú vị!

Nguồn: tapchicongthuong.vn

 

 

Copyright 2020 VNSTEEL Thăng Long. All right reserved and Designed by Sudo